Hội nghị sơ kết về tình hình đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài trong 06 tháng đầu năm 2022
Được sự đồng ý của Lãnh đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, ngày 20/6/2022, Cục Quản lý lao động ngoài nước phối hợp cùng các đơn vị liên quan tổ chức Hội nghị Sơ kết công tác thông tin tuyên truyền về lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài 6 tháng đầu năm và định hướng công tác 6 tháng cuối năm, kết hợp gặp gỡ đại diện cơ quan thông tấn, báo chí nhân dịp kỷ niệm 97 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam.
Tham dự Hội nghị có ông Nguyễn Gia Liêm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, bà Phạm Ngọc Lan, Phó Giám đốc Trung tâm lao động ngoài nước, bà Nguyễn Thị Hoàng Lan, Phó giám đốc Cơ quan điều hành, Quỹ Hỗ trợ Việc làm ngoài nước cùng đại diện các cơ quan thông tấn báo chí đang theo dõi và có quan hệ phối hợp chặt chẽ với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;
Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Gia Liêm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết với việc tiêm chủng mở rộng ở Việt Nam và các nước, chính sách phòng chống dịch bệnh Covid-19 đã có sự thay đổi thích ứng để phục hồi phát triển kinh tế, trong đó có việc mở cửa trở lại tiếp nhận lao động nước ngoài trong đó có lao động Việt Nam, cụ thể như: thị trường các nước Châu Âu từ năm 2021; Hàn Quốc từ tháng 5/2021 (sau hơn một năm ngừng tiếp nhận lao động đi theo chương trình EPS); Đài Loan mở lại từ ngày 15/02/2022 (đóng cửa từ 19/5/2021); Nhật Bản bắt đầu mở lại từ tháng 3/2022 (sau hơn một năm đóng cửa từ cuối tháng 01/2021); một số thị trường lao động khác cũng đã có chính sách tiếp nhận lao động với các điều kiện và quy định phù hợp trong thời gian qua.
Theo số liệu thống kê, từ ngày 01/01/2022 đến ngày 15/6/2022, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là 51.677 người (19.849 lao động nữ), trong đó số lượng lao động xuất cảnh đi làm việc tại một số thị trường trọng điểm là Nhật Bản với 32.053 lao động (14.883 nữ); Đài Loan với 15.633 lao động (4.736 nữ) và Hàn Quốc là1.209 lao động (42 nữ).
Trong 6 tháng đầu năm, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã tham mưu, trình Lãnh đạo Bộ ký kết và tổ chức triển khai thực hiện một số hoạt động chính như sau:
Bản Ghi nhớ về hỗ trợ công dân Việt Nam tham gia Chương trình lao động nông nghiệp tại Australia ký giữa Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Việt Nam và Bộ trưởng Ngoại giao và Thương mại Australia ngày 28/3/2022. Hiện nay, hai Bên đang trao đổi để thống nhất về kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện Bản Ghi nhớ. Bản Ghi nhớ về tuyển dụng, việc làm và hồi hương lao động giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ Malaysia ký ngày 21/3/2022 giữa Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Việt Nam và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Malaysia. Đàm phán để ký kết trong thời gian tới Hiệp định hợp tác lao động giữa Việt Nam với một số quốc gia tiếp nhận lao động; Phối hợp với các Bộ, ngành hướng dẫn các địa phương để triển khai thực hiện Nghị quyết số 59/NQ-CP ngày 27/4/2022 về việc tiếp tục thí điểm thực hiện đưa người lao động đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc theo hình thức hợp tác giữa các địa phương của hai nước; Tuyển chọn điều dưỡng viên và hộ lý sang làm việc tại CHLB Đức theo Chương trình 3 Bên cùng có lợi và tại Nhật Bản theo Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA).
Trong 6 tháng cuối năm, Cục Quản lý lao động ngoài nước sẽ tiếp tục tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm như (i) triển khai thực hiện Luật và các văn bản pháp luật về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài; (ii) phối hợp chặt chẽ với Cơ quan đại diện Việt Nam tại các nước có lao động Việt Nam để kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động trước diễn biến của dịch bệnh Covid-19; (iii) thông tin và hướng dẫn các doanh nghiệp đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài an toàn trong tình hình dịch bệnh và theo quy định về tiếp nhận lao động nước ngoài của nước sở tại; (iv) thúc đẩy hợp tác quốc tế nhằm ổn định, phát triển thị trường lao động ngoài nước, chú trọng khai thác thị trường lao động, công việc có điều kiện làm việc tốt, an toàn và có thu nhập cao cho người lao động; (v) Trao đổi, đàm phán, ký kết hiệp định, thoả thuận hợp tác lao động song phương với các nước, vùng lãnh thổ tiếp nhận lao động Việt Nam để bảo đảm các quyền và lơi ích của người lao động cũng như kịp thời hỗ trợ và giải quyết các vấn đề phát sinh với người lao động. (vi) tiếp tục nâng cao chất lượng người lao động đi làm việc ở nước ngoài, đẩy mạnh công tác gắn kết giữa doanh nghiệp dịch vụ với các Trường, Cơ sở Giáo dục nghề nghiệp trong việc chuẩn bị, tạo nguồn lao động đi làm việc ở nước ngoài; (vii) đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền và phổ biến chính sách, pháp luật, thông tin về lĩnh vực người lao động đi làm việc ở nước ngoài để nâng cao nhận thức của người dân và xã hội, đồng thời qua đó ngăn ngừa, hạn chế tình trạng lừa đảo, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này; (viii) tăng cường công tác quản lý người lao động làm việc ở nước ngoài và (ix) tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Tại Hội nghị, Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng đã thông tin, làm rõ một số nội dung trao đổi của đại diện cơ quan thông tấn, báo chí về hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Nhân dịp kỷ niệm 97 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, lãnh đạo Cục Quản lý lao động ngoài nước, Trung tâm Lao động ngoài nước và Quỹ Hỗ trợ Việc làm ngoài nước đánh giá cao và gửi lời cám ơn chân thành tới đại diện các Cơ quan thông tấn, báo chí đã luôn đồng hành, chia sẻ và phối hợp kịp thời trong công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài nhằm đảm bảo hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài được thực hiện hợp pháp, an toàn và hiệu quả.
Cục quản lý lao động ngoài nước/dolab.gov.vn